Người khuyết tật thường gặp khó khăn, trở ngại trong hoạt động sinh hoạt, lao động, học tập. Điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu đối tượng này có được cấp giấy phép lái xe hạng A1 hay không?
Để hiểu rõ những quy định về cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật, mời bạn theo dõi các nội dung sau đây.
1 Người Khuyết Tật Là Gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật quy định: người khuyết tật là người có một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể bị khiếm khuyết hoặc suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật; khiến họ gặp khó khăn, trở ngại trong các hoạt động như sinh hoạt, học tập, lao động…
Theo Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 các dạng khuyết tật gồm:
- Khuyết tật nhìn.
- Khuyết tật nghe nói, khuyết tật thần kinh, tâm thần.
- Khuyết tật vận động.
- Khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác.
Có 3 mức độ khuyết tật quy định tại Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:
- Khuyết tật đặc biệt nặng: là những người bị mất hoàn toàn các chức năng của cơ thể do tình trạng khuyết tật. Vì vậy họ không thể tự kiểm soát hoặc thực hiện các hoạt động đơn giản như thay quần áo, đi lại, vệ sinh cá nhân… mà phải cần sự trợ giúp, theo dõi và chăm sóc hoàn toàn của những người khác.
- Khuyết tật nặng: là những người bị mất một phần hoặc bị suy giảm chức năng của cơ thể do tình trạng khuyết tật. Họ không tự kiểm soát hoặc tự mình thực hiện được một số hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi lại… mà cần được trợ giúp, theo dõi và chăm sóc hoàn toàn của những người khác.
- Khuyết tật nhẹ: là người khuyết tật không thuộc các trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng.
2 Người Khuyết Tật Có Được Cấp Giấy Phép Lái Xe Hạng A1 Không?
Căn cứ Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe tại Phụ lục I Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì người mắc phải một trong các tình trạng bệnh, tật sau sẽ không đạt điều kiện để lái xe hạng A1:
- Bị liệt vận động từ hai chi trở lên.
- Bị mất chức năng hoặc bị cụt một bàn tay, một bàn chân hoặc một bàn chân và tay còn lại không còn toàn vẹn do bị cụt hoặc suy giảm chức năng.
- Người trong tình trạng rối loạn tâm thần cấp hoặc rối loạn tâm thần mãn tính dẫn đến không thể điều khiển hành vi của mình.
- Người có thị lực nhìn xa hai mắt <4/10 hoặc có thị lực một bên mắt <4/10; kể cả trường hợp đã điều chỉnh bằng kính.
- Người bị rối loạn khả năng nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, xanh, vàng.
- Sử dụng ma túy hoặc các chất có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.
Như vậy, tùy theo mức độ dị tật mà những người khuyết tật có thể đăng ký thi/cấp bằng lái xe A1 gồm:
- Người bị điếc (khiếm thính).
- Người bị liệt vận động một chân hoặc một tay nhưng các tay chân còn lại không bị mất chức năng vận động.
- Người bị cụt hoặc mất chức năng một tay nhưng các chân tay còn lại vẫn còn toàn vẹn.
Kết hợp quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019: Cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật điều khiển xe mô tô 3 bánh.
Từ các thông tin trên, có thể thấy một số trường hợp người bị khuyết tật vẫn có thể được phép cấp giấy phép lái xe hạng A1, tuy nhiên chỉ áp dụng với loại xe 3 bánh dùng riêng cho những người khuyết tật theo quy định
3 Thời Hạn Sử Dụng Giấy Phép Lái Xe Hạng A1 Cho Người Khuyết Tật
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định về thời hạn của các loại giấy phép lái xe như sau:
- Giấy phép lái xe A1, A2, A3: không có thời hạn.
- Giấy phép lái xe hạng B1: thời hạn được xác định theo độ tuổi của người lái xe (đủ 55 tuổi với nữ và đủ 60 tuổi với nam).
- Giấy phép lái xe hạng A4, B2: thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Như vậy giấy phép lái xe hạng A1 dành cho người khuyết tật sẽ không có thời hạn sử dụng.
4 Thời Gian Cấp Mới Giấy Phép Lái Xe Hạng A1 Cho Người Khuyết Tật
Điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT và sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 05/2023/TT-BGTVT quy định về Cấp mới giấy phép lái xe như sau:
- Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau của giấy phép lái xe chính là ngày được ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ thi sát hạch.
- Cá nhân đạt sát hạch có nhu cầu cấp giấy phép lái xe sẽ được cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thi sát hạch.
- Nếu cá nhân đã đạt kết quả sát hạch có nhu cầu nhận giấy phép lái xe tại nhà thì cần đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (thực hiện trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi sát hạch).
Như vậy, có thể xác định người khuyết tật sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A1 trong thời gian chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ thi sát hạch.
Trên đây là những thông tin về việc cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật. Nếu cần tư vấn sát hạch, nâng hạng, cấp đổi bằng lái xe – hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ chuyên nghiệp.